Bổ sung Vitamin C trong ương ấu trùng tôm càng xanh
Đánh giá bài viếtNhu cầu Vitamin C của tôm đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Ở giai đoạn ấu trùng, tôm cần nhiều Vitamin C hơn giai đoạn trưởng thành để đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển.
Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí trên 25 bể nhựa có thể tích 60 lít, mật độ 50 ấu trùng tôm càng xanh /lít. Có 5 nghiệm thức thức ăn, mỗi nghiệm thức lặp lại 5 lần. Hàm lượng Vitamin C hoạt tính được bổ sung lần lượt là: 0, 200, 500, 1.000 và 2.000 mg trong 1 kg thức ăn.
Để cân đối thành phần trong công thức thức ăn Celulose được bổ sung vào các nghiệm thức thức ăn không có vitamin và Vitamin C nhỏ hơn 2.000 mg/kg thức ăn. Loại Vitamin C sử dụng là L-Ascorbyl 2 monophosphate (AMP) chuyên dùng cho thủy sản, có hàm lượng Vitamin C hoạt tính là 35%. Các thành phần của thức ăn được trộn đều bằng máy xay sinh tố; sau đó, đem hấp cách thủy khoảng 10 phút. Thức ăn được giữ trong tủ đông nhiệt độ -200C. Trước khi cho ăn, cần ép thức ăn để tạo hạt có nhiều kích cỡ mắt lưới khác nhau nhằm phù hợp cho từng giai đoạn của tôm.
Thí nghiệm được bố trí theo mô hình nước xanh cải tiến (Ang, 1986). Nguồn nước sử dụng có độ mặn 12‰ được pha từ nước biển có độ mặn 120‰ và nước ngọt. Nước xanh là hỗn hợp sinh thực vật, trong đó tảo Chlorella sp chiếm ưu thế. Cá rô phi Sarotherodon mossambicus được giữ trong bể để bón phân duy trì sự phát triển của tảo. Nước xanh được chuẩn bị có nồng độ muối tương tự như môi trường nước ương ấu trùng rồi bổ sung vào bể ương với mật độ khoảng 1 triệu tế bào/ml. Trong quá trình ương không thay nước, chỉ bổ sung tảo để duy trì mật độ tảo trong bể.
Bổ sung Vitamin C nâng cao tỷ lệ sống cho ấu trùng tôm
Chăm sóc và quản lý
Trong suốt quá trình thí nghiệm tôm được cho ăn Artemia với mật độ 2 – 3 ấu trùng/ml vào ban đêm. Thức ăn chế biến được cho ăn 3 lần vào ban ngày. Lượng thức ăn được cho ăn mỗi lần vừa đủ khi quan sát thấy hầu hết ấu trùng ôm mồi.
Kết quả
Về tỷ lệ chết của hậu ấu trùng khi cảm nhiễm bởi vi khuẩn Aeromonas hydrophila cho thấy, việc bổ sung Vitamin C vào thức ăn đã làm gia tăng khả năng đề kháng bệnh của hậu ấu trùng. Sau thời gian 7 ngày, tỷ lệ chết của hậu ấu trùng dao động trong khoảng 27,5 – 31,9% đối với các nghiệm thức có bổ sung Vitamin C. Trong khi đó, ở nghiệm thức thức ăn không được bổ sung Vitamin C lên đến 61,2%.
Tỷ lệ sống của ấu trùng được cải thiện khi thức ăn có bổ sung Vitamin C. Ấu trùng ăn thức ăn có bổ sung 2.000 mg Vitamin C/kg thức ăn cho tỷ lệ sống cao nhất (78,9%), tuy nhiên kết quả này không có sự khác biệt với nghiệm thức 200, 500, 1.000 mg Vitamin C/kg thức ăn (p>0,05). Thức ăn không được bổ sung Vitamin C cho kết quả về tỷ lệ sống thấp nhất (58,9%). Tương ứng với tỷ lệ sống, số lượng hậu ấu trùng thu được trong một lít nước ương đạt cao nhất là 39,4 PL/lít (nghiệm thức 2.000 mg Vitamin C/kg) và thấp nhất 29,5 PL/lít (nghiệm thức không bổ sung Vitamin C).
Về khả năng chịu đựng của ấu trùng khi gây sốc với nồng độ muối 65‰. Kết quả này cho thấy, tỷ lệ hậu ấu trùng chết tích lũy theo thời gian tăng nhanh ở nghiệm thức không có Vitamin C. Sau 45 phút, hơn 67% hậu ấu trùng đã chết trong khi ở các nghiệm thức có bổ sung Vitamin C, tỷ lệ này là 47 – 56%. Sau 1 giờ tỷ lệ chết ở tất cả các nghiệm thức là trên 90%, nghiệm thức không có Vitamin C là 100%. Như vậy, việc bổ sung Vitamin C với mức từ 200 mg/kg thức ăn sẽ làm gia tăng khả năng chịu đựng của hậu ấu trùng tôm càng xanh.
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Phương pháp cắt mắt tôm trong sản xuất giống(18/08/2021)
- Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi TTCT(18/08/2021)
- Phòng ngừa và xử lý H2S(18/08/2021)
- Kỹ thuật sử dụng luân trùng, vi tảo trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Sử dụng diệp hạ châu trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Những lưu ý khi nuôi tôm mùa mưa(18/08/2021)
- Sản phẩm thay thế kháng sinh trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Nuôi tôm hiệu quả hơn với quy trình quản lý nước Mixotrophic(18/08/2021)
Bình luận bài viết