Thứ 4, 18/08/2021 14:50:44 GMT+7

Yếu tố kỹ thuật quản lý ao nuôi

Đánh giá bài viết

Trong nuôi tôm nước lợ khi môi trường thay đổi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì việc quản lý ao nuôi trở nên khó khăn. Do đó, cần phải đảm bảo một số yếu tố kỹ thuật để đem lại thành công cho vụ nuôi.

Chuẩn bị ao nuôi

Việc chuẩn bị ao nuôi trước khi thả giống là yếu tố quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Để thực hiện tốt khâu này, trước hết cần tháo cạn nước, bắt sạch các loại tôm cá còn sót lại. Kế đến, vét bớt lớp bùn đáy ao, tu sửa bờ ao, kiểm tra hệ thống cống, hệ thống kênh cấp, thoát nước và sửa nền đáy ao. Cuối cùng là bón vôi bột với liều lượng sử dụng 70 – 100 kg/1.000 m2, bừa san cho phẳng đáy và làm cho vôi ngấm vào bùn đáy, phơi nền đáy đến khô trước khi lấy nước vào.

Khâu lấy nước và xử lý nước bắt buộc cơ sở nuôi phải có ao chứa lắng. Trước khi cho nước vào ao nuôi 15 ngày, lấy nước ngoài kênh cấp vào ao chứa qua túi lọc nhằm loại bỏ rác, các loại tôm cá tạp, côn trùng và để 3 – 4 ngày cho lắng trong. Kế đến, cho chạy quạt nước để kích thích cho trứng giáp xác, nhuyễn thể, tôm cá tạp lọt vào nở thành ấu trùng. Dùng Chlorine hoặc Iodine nồng độ 30 ppm để diệt tạp trong ao lắng. Tiếp tục quạt nước trong 7 – 10 ngày để Chlorine hoặc Iodine bay hết, sau đó cấp nước vào ao nuôi (qua túi lọc) đã được cải tạo kỹ. Lưu ý, không diệt tạp trong ao nuôi khi đã lấy nước.

Sau khi cấp nước vào ao 2 ngày, tiến hành gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất (không dùng phân vô cơ để giảm sự phát triển của tảo độc) hoặc có thể dùng cám gạo, bột đậu nành ủ men bánh mì tạt xuống ao với lượng 20 – 30 kg/10.000 m3 nước vào lúc 9 – 10 giờ sáng. Đến ngày thứ 11 tiến hành xử lý Dolomite liều lượng 15 – 20 ppm liên tục 2 – 3 ngày để tăng hệ đệm trong ao nuôi.

Cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao như: nhiệt độ, pH, độ mặn… khi các yếu tố này ở giới hạn thích hợp mới tiến hành thả tôm. Có thể kiểm tra các loại vi khuẩn trong đất, trong nước ao nuôi như: vi khuẩn gây phát sáng, đen mang, đỏ thân, ăn mòn phụ bộ trước khi thả tôm.

Cần chọn mua tôm giống của các cơ sở có uy tín, giống qua xét nghiệm PCR không nhiễm các loại bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV,… Bên cạnh đó, có thể kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách sốc độ mặn bằng cách hạ độ mặn xuống dưới 10‰ ở nhiệt độ 200C (dùng nước đá để hạ nhiệt độ) cho khoảng 100 tôm giống vào, sau 1 giờ kiểm tra tỷ lệ sống nếu sống > 80% là giống khỏe, chất lượng tốt.

Tôm sú nuôi thâm canh có thể thả mật độ 15 – 20 con/m2; nuôi bán thâm canh 8 – 14 con/m2; nuôi quảng canh cải tiến 5 – 7 con/m2. Tôm chân trắng có thể thả nuôi 80 – 100 con/m2. Tôm giống nên thả xuống ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và tuân thủ các thao tác thả, tránh cho tôm nuôi bị sốc môi trường.

Để giảm chi phí nên chọn thức ăn có hệ số thấp và độ đạm thấp hơn 35%, không sử dụng loại thức ăn chứa Ethoxyquin. Dựa trên tổng khối lượng tôm có trong ao để xác định được lượng thức ăn hằng ngày. Trong tình trạng bình thường tôm cỡ 1 – 5 g cho ăn 7 – 10 % khối lượng thân; tôm 5 – 10 g cho ăn 4 – 7% khối lượng thân; tôm 10 – 20 g cho ăn 3 – 4% khối lượng thân.


Kỹ thuật là yếu tố tiên quyết trong nuôi tôm Ảnh: Minh Triết


Kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi

Cho tôm ăn theo quy trình, hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất thức ăn, theo dõi thực tế để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh để dư thừa thức ăn gây lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Quạt nước, sục khí theo quy trình kỹ thuật, tăng cường những ngày thời tiết biến đổi và những tháng cuối. Hàng ngày đo độ mặn, pH, COD…; khi pH không phù hợp dùng vôi bón xuống ao để điều chỉnh môi trường; nếu độ mặn dưới 17‰ thì điều chỉnh pH đạt 8,4 – 8,5; nếu độ mặn trên 17‰ thì điều chỉnh pH giảm dần xuống 8,2 – 8,3; nếu độ mặn cao bằng 25‰ thì điều chỉnh bằng 7,7 – 7,8.

Trước hết cần quản lý chất lượng đáy ao, bằng cách quản lý tốt ngay từ khâu cải tạo ao kết hợp với việc phối hợp các biện pháp làm sạch ao nuôi như: sử dụng các chế phẩm vi sinh để gây màu nước giúp phát triển phiêu sinh thực vật, tảo và phiêu sinh động vật, đồng thời ổn định hệ sinh thái, ổn định chất lượng nước, quản lý thức ăn tốt, tránh dư thừa.

Duy trì ổn định sự phát triển của tảo, quan sát màu nước trong ao nuôi để tiến hành các biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp. Trong quá trình nuôi nên hạn chế thay nước và sử dụng hóa chất diệt khuẩn. Cần duy trì các yếu tố môi trường nước trong ngưỡng thích hợp, cụ thể: pH 7,5 – 8,5, độ mặn 15 – 25‰, NH3 < 0,1 mg/L, H2S < 0,01 mg/L, độ kiềm 80 – 120 mg/L, ôxy hòa tan > 4 mg/L.

Chỉ nên thay nước khi các yếu tố thủy hóa trong ao nằm trong khoảng không thích hợp, nhất là khi pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5. Đối với những ao độ kiềm thấp hơn 60 mg/L nên sử dụng thường xuyên vôi nông nghiệp với lượng 15 – 20 kg, 7 – 10 ngày/lần. Đặc biệt những ngày có mưa, thời tiết thay đổi cần tăng cường sử dụng. Đối với ao có tảo phát triển quá mạnh, pH tăng cao vào buổi chiều, trước tiên nên thay nước tối thiểu 30%, sau đó dùng đường cát 2 – 3 kg/1.000 m2, hòa tan tạt đều ao vào lúc 9 – 10 giờ sáng và mở máy quạt, sục khí. Trước khi thu hoạch cần có hợp đồng với cơ sở thu mua để thu hoạch gọn.

Quang Trí
Email
Họ tên
Nội dung

Top